"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Tóm tắt bài giảng ngày 16.4.2011 - Ba Chân Lý

 Sáng thứ bảy ngày 16/04/2011, Thầy Duy Tuệ đã có buổi giảng và trả lời ba bức thư của ba hiền giả trẻ. Ba bức thư được gửi tới trang web với nội dung như sau:

Bức thư thứ nhất: 

Con chào Thầy,

Qua một số người và qua trang web daosuduytue.com con đã biết đến Thiền Minh Triết. Con sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo ở Ninh Bình. Cuộc sống ở miền quê ấy cho đến bây giờ cũng vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Được sinh ra trong một gia đình bần nông, là người anh cả của hai cô em gái, sống đã được 24 tuổi đầu mà nhiều lúc con thấy mình vô dụng, thấy mình không làm nổi được việc gì. Nhiều lúc con thấy mọi con đường đều đi vào bế tắc mặc dù trước đó có muôn ngàn những hướng đi, những ước mơ. 

Học xong ba năm cao đẳng, đã đi làm được một năm, nhưng quả thực cho đến bây giờ con vẫn không hiểu mình có gì và có thể làm gì trong khi cuộc sống quá nhiều sức ép và những sự cám dỗ. Dường như con là một kẻ rất đỗi tham lam, thứ gì cũng muốn làm, muốn học, thứ gì cũng muốn cố gắng nhưng rồi lại chẳng đi đến đâu. Con đã 24 tuổi rồi nhưng không thấy niềm vui do những áp lực công việc, học tập, gia đình. 


Nhiều khi con cảm thấy mình không thể bắt nhịp được cuộc sống, không thể hòa đồng vào dòng chảy của xa hội, thấy mình như lạc lõng, chán trường, không biết đâu là mục đích sống hay niềm vui cuộc sống nữa. Con cũng không biết đâu là đường đi đúng đắn cho mình, mọi thứ bỗng dưng trở nên mơ hồ và rất mông lung. Đã rất nhiều lần con cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán, tâm trí luôn luôn bức bối khó chịu và chỉ như muốn bùng nổ ra. 

Qua chuyến đi Ngọa Vân vừa rồi được quen với anh Phú Tuệ, anh đã chỉ cho con cách nghe pháp âm, tập những bài thiền cơ bản, mặc dù chưa có trải nghiệm nào, nhưng con thấy tâm hồn nhẹ nhõm, thoải mái hơn rất nhiều. Nên hôm nay con viết thư này mạo muội xin Thầy một Phật Tâm Danh để con có thể cùng các quý đồng đạo khác đi sâu hơn vào thế giới Thiền Minh Triết, thế giới nhiệm màu của tình yêu thương.

Con rất mong muốn được Thầy khai mở trí tuệ để cảm nhận được sự màu nhiệm của đầu óc mình. Con xin chân thành cảm ơn Thầy.

NDL”

Bức thư thứ hai: 

Con chào Thầy,

Thầy có khỏe không ạ? Con đã nhiều lần viết email cho Thầy những chưa bao giờ con kể cho Thầy nghe về những trải nghiệm của con, hôm nay con sẽ kể cho Thầy về những gì con thấy, con nghe.

Con tên là TND, sinh ngày 22/5/1982. Con ở Đồng Tân - Thái Sơn - Hiệp Hòa - Bắc Giang, con sinh ra trong một gia đình bần nông, bố mẹ con sinh được 5 anh chị em và tần tảo nuôi chúng con ăn học đầy đủ, con là út trong gia đình, đã tốt nghiệp trung cấp kế toán. Thời của con thì nhà nước mở cửa nên cuộc sống bon chen, chật vật hơn. Sau khi con tốt nghiệp bố mẹ con muốn xin cho con vào làm kế toán cho một trường học nhưng rất khó vì cần phải mất một khoản tiền mới có thể vào đó làm được. Con không muốn, vì cuộc sống của gia đình con cũng không khá giả gì lắm. Các anh chị con đều trưởng thành và lập gia đình ở riêng. 

Vậy là con tự xin đi làm cho một công ty may gần nhà để kiếm thêm thu nhập giúp mẹ. Con làm công nhân trong nhà máy được 1 năm, với sự cần cù chịu khó và lao động giỏi, con đã được ban lãnh đạo công ty cân nhắc đưa lên làm nhân viên kế toán cho nhà máy.  Con rất vui mừng vì cuối cùng con cũng làm đúng ngành nghề được đào tạo, bố mẹ con cũng rất tự hào vì con. Đến cuối năm 2007 con kết hôn với bạn học cũng là đồng nghiệp của con. Gia đình chồng con cũng chẳng giàu có, cuộc sống của bố mẹ chồng con cũng vất vả, khó khăn, con cũng muốn làm tốt hơn để phụ giúp chồng cùng bố mẹ chồng. Rồi chồng con nghỉ việc tại công ty để xin vào làm nhân viên thống kê ở xã, nơi chúng con sống, anh làm ở đó với mong muốn có kinh nghiệm để thi vào làm công chức xã. Từ đó cuộc sống khó khăn hơn vì làm ở xã lương rất eo hẹp, con lại chuẩn bị sinh em bé, do đó dẫn đến mâu thuẫn giữa chồng con và bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng con cho chúng con ra ăn riêng, con hiểu bố mẹ chồng con nghèo không có tiền để cho chúng con nên cũng không đòi hỏi. Nhưng bố mẹ chồng cũng cho chúng con đất để làm nhà. Với hai bàn tay trắng, chúng con vay mượn để làm ba gian nhà nhỏ để ở. Sau khi sinh cháu gái đầu lòng được 4 tháng thì con quay lại công ty cũ làm việc. Cuộc sống giai đoạn ấy của con đầy khó khăn, vừa làm nhà xong, con còn nhỏ không ai trông giúp, quay lại làm việc thì lương cũng chỉ đủ chi tiêu hàng ngày nên con phải nghỉ việc để chăm sóc bé.


Khó khăn nối tiếp khó khăn khi con lại mang thai lần 2. Chồng con muốn con bỏ cái thai đó đi nhưng con không muốn, con khóc rất nhiều, cuối cùng anh cũng đồng ý để lại đứa con. Cuối năm 2009 con sinh cháu thứ hai, ai cũng mừng cho vợ chồng con vì có con trai con gái, nhưng cuộc sống trở nên vất vả hơn rất nhiều. Con không có việc làm vì phải trông con, một mình chồng con vừa đi làm công việc ở xã, ngày cuối tuần được nghỉ, anh theo mọi người đi làm sơn để kiểm thêm thu nhập, cũng chỉ vì cơm áo gạo tiền đã khiến anh không còn thời gian để ôn thi công chức, dẫn đến anh bị trượt, từ đó tính cách của anh thay đổi hơn. Anh hay cáu gắt và tức giận vô cớ, con cũng rất buồn nhưng chỉ biết im lặng. Thế rồi anh nghỉ ở xã, mơ ước vào công chức của anh tiêu tan, tính cách của anh khác nhiều hơn, và con rất sợ mỗi lần anh nổi cáu. Rồi anh ấy theo anh trai lên Lạng Sơn làm ăn, con ở nhà cùng hai đứa con, lâu anh mới về thăm một lần. Một lần về thăm anh nói anh muốn mang mẹ con con lên Lạng Sơn để làm bánh mì, rồi con cũng theo anh đi. Lên Lạng Sơn đồi núi nhiều, khí hậu khác so với ở quê nhà, các cháu còn nhỏ nên không hợp khí hậu và rất hay ốm, con đành gửi cháu lớn về quê cho ông bà nội chăm sóc, mặc dù con không muốn. Sau đó anh chị chồng mở thêm xưởng trên Bắc Kạn, cho hai vợ chồng con lên đó để trông nom giúp, con và chồng con lại bồng bế con lên Bắc Kạn. Đến Bắc Kạn ngày lại ngày con đi bán bánh mì còn chồng con thì làm bánh, cháu bé thì đi gửi trẻ, vì quá bé (lúc đó cháu mới được 8 tháng tuổi) khí hậu không hợp nên cháu bé cũng ốm liên tiếp. Không còn cách nào khác con đành nói với chồng con để con mang cháu về quê. Về quê cuộc sống vẫn vậy, khó khăn vẫn cứ tiếp diễn. Con nói với bố mẹ chồng trông con giúp con để con xin đi làm lại công ty may. Ở đây con đã quen với chị Nhàn (Tuệ Hải Nhật), chị đã chỉ cho con biết cuộc sống hiện tại con cần gì vì trước đó con luôn sống trong cảnh lo toan cơm áo. Có những lúc con nghĩ tại sao cuộc sống luôn không như mình mong muốn, người giàu vẫn giàu, còn kẻ nghèo vẫn nghèo, chính cái nghèo đã xuýt giết chết gia đình nhỏ bé của con. Chị Nhàn đã cho con biết đến Thầy, và từ đó con luôn học những gì Thầy dạy, sự nhiệm màu Thầy truyền dạy đã thật sự có hiệu quả.

Thầy ơi, giờ đây con đã cảm nhận được như thế nào là hạnh phúc của gia đình, và con thấy mình không còn lo lắng như trước nữa, con rất cảm ơn Thầy, người đã giúp con tìm lại hạnh phúc và niềm vui. 

Tóm tắt những gì con đã trải qua là như vậy, con xin dừng lại ở đây. Con kính chúc Thầy mạnh khỏe, và mang lại hạnh phúc cho nhiều người khác.

TND”

Bức thư thứ ba:

 
Con chào Thầy,
Con là Tuệ Tịnh Thanh. Năm nay con 20 tuổi, hiện con đang sống ở TPHCM. Trước khi đặt câu hỏi con xin kể sơ qua tình hình của con Thầy nhé.  

Con vừa mới tốt nghiệp trường cao đẳng RMIT và hiện đang làm việc cho một công ty tài chính. Sở dĩ con cắt ngang, không học tiếp lên đại học là vì con rất bối rối không biết mình nên theo đuổi nghề nào nên con muốn đi làm để rèn luyện bản thân có một phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn và cũng là để tìm niềm đam mê của mình. 

Trước đây, khi chưa học Minh Triết. Con đã thử qua một số những công việc nhưng không một việc gì con làm hết 100% sức lực nên hay bỏ ngang, hay chán chường. Con là một cô bé có học lực ở mức trung bình, làm việc ở mức trung bình. Nếu tự đánh giá thì con cho con 6 điểm ở tất cả mọi mặt.

Nhưng từ khi học Minh Triết mọi sự thay đổi hoàn toàn khi con ngày một tự tin vào bản thân mình. Trong nguời con lúc nào cũng có một nguồn năng lượng dồi dào để làm việc, để sống và cư xử với mọi người. Do đó con làm việc không hiểu sao rất tốt Thầy ạ. Con luôn cảm thấy dồi dào năng lượng mỗi khi được làm bất cứ việc gì được giao (dù là đi ngoại giao, tiếp khách hay dù phải làm việc với những con số - điều mà con không giỏi). Và dù con có phạm lỗi nghiêm trọng thì con vẫn rất lạc quan vì con biết mình có thể sửa đổi và học từ những sai phạm này. 

Nhưng có một điều kì lạ là, kể cả khi con mắc những lỗi rất nghiêm trọng và ngớ ngẩn thì mọi người trong công ty vẫn không lấy làm tức giận. Thay vì chú ý đến điều đó, họ lại tập trung vào ưu điểm của con nhiều hơn, họ khen con là tuổi còn nhỏ mà lanh lợi, làm được việc . Nhưng sự thực con chẳng cảm thấy một chút cảm xúc gì, con không nghĩ những điều con làm có vẻ gì to tát để người khác phải chú ý cả, ngược lại con cảm thấy càng bối rối nhiều hơn khi mình làm cái gì mình cũng vui, cũng ok, thì không hiểu mình thuộc về cái gì? Vậy là những ý tưởng về công việc cứ liên tiếp trào ra "Hay mình làm ngoại giao, hay làm truyền thông, hay làm chủ doanh nghiệp?". Chúng khiến đầu óc con loạn vì nghĩ mình có thể làm tất cả mọi việc. Con đã cố gắng nghe tiếng nói bên trong sâu thẳm của mình. Con nghĩ về nó rất nhiều nhưng con không nghe thấy gì cả. Thực sự từ trong tâm mình , con luôn mong muốn tìm ra được nghề nghiệp phù hợp với mình. Nghề nghiệp mình đam mê , làm không thấy mệt để từ đó mà cống hiến hết sức trẻ cho đất nước Việt Nam.

Vậy nên hôm nay con viết thư này mong Thầy giúp con sáng tỏ những điều này qua buổi pháp âm với tuổi trẻ ạ. Bởi con biết không chỉ con mà rất nhiều bạn trẻ đang gặp phải vấn đề này. 

Lời cuối cùng con muốn nói là con cảm ơn Thầy, cảm ơn vì Thầy đã sáng tạo ra môn thiền Minh Triết, cảm ơn những nỗ lực không ngừng của Thầy đưa ánh sáng Minh Triết đến với mọi người để mọi người sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Và đặc biệt đối với một con bé mới 20 tuổi như con, từ việc thay đổi căn bản nhất là mối quan hệ giữa con và mẹ con đang dần thắm chặt lại, con cũng dần dần sử dụng thiền Minh Triết để khai mở tầm nhìn, khai mở sức mạnh nội lực của mình và sống hết mình vì nguời khác.

Con rất tự hào vì được là một trong những đệ tử của Thầy, Thầy ạ!
Tuệ Tịnh Thanh

Thầy chia sẻ:
Học sinh và sinh viên phải biết chuẩn bị cho mình một tương lai như thế nào đó để khi rời ghế nhà trường thì không còn mờ mịt với việc mình phải làm gì nữa. Tuy nhiên đa số là không biết điều đó!

Từ ba bức thư trên và bức thư của Phổ Hương, tôi thấy đầu óc quý vị luôn luôn bấn loạn không biết phải làm gì? Quả là khó thật! Ngay cả nhiều vị đã về hưu rồi mà đầu óc còn bấn loạn nói gì đến những người trẻ. 

Hồi còn trẻ tôi cũng vậy thôi. Tôi có bốn người em, rồi cũng cố gắng học và làm để trả hiếu cho cha mẹ vì cảm thấy mình nợ cha mẹ rất nhiều. Theo văn hóa châu Á thì cha mẹ luôn hy sinh cả cuộc đời cho con, mong con mình trưởng thành để mình khỏi phải lo lắng về chúng. Ngược lại, con cái cũng lo lại cho cha mẹ. Nhiều khi mình tốt nghiệp xong đi làm thì tưởng rằng mình làm ăn sẽ khá hơn cha mẹ. Nhưng thực tế không phải vậy, đôi khi cha mẹ không có học hành gì mà vẫn nuôi được con cái. Cuộc đời thật không thể nói trước được, có khi mình tưởng mình học nhiều, có bằng cấp thì mình sẽ hơn cha mẹ mình. 

Tôi thấy mình may mắn khi trả hiếu được cho cha mẹ và huấn luyện nghề nghiệp cho mấy đứa em, mỗi đứa có một công việc vững vàng. Có thể nghề đó không làm chúng giàu có, nhưng nó đủ sống và an toàn, không nhiều nguy hiểm hay rủi ro. Đó chắc là do mình may mắn chứ không phải giỏi. Theo tinh thần của người châu Á, người con trưởng thường phải gánh nhiều trách nhiệm, gần như thay cả cha mẹ lo cho các em. Như trình bày trong lá thư thứ nhất, mình lo cho mình không xong, lo cho hai em không được thì nói gì đến trả nợ cha mẹ. Đúng là có mắt mà cũng như mù bởi không biết đường đi. 

Do đó, mong muốn chung của những người gửi câu hỏi là làm sao cho đầu óc bớt bấn loạn, được khai nhãn để biết mình cần phải làm gì. Điều này quả là không dễ phải không? Nhưng dù sao thì ba vị gửi thư trên cũng rất gặp may mắn khi gặp được thiền Minh Triết nên đầu óc cũng bình ổn hơn.

Công ty Bảo Hiểm Hạnh Phúc

Giả sử như người ta có mở công ty bảo hiểm, thứ nhất là bảo hiểm sao cho linh hồn không bị đày đọa và thứ hai là bảo hiểm bán cho 08 bài thuốc thánh để đời hết khổ thì cũng không thể ăn thua, vì ai mà biết được sau khi chết thì linh hồn có bị đày đọa hay không? Nhưng Đại Gia Đình Minh Triết sẽ bảo đảm những điều sau cho bất cứ ai đến và trở thành thành viên: 
  1. Càng nghiên cứu, học tập, thực hành thiền Minh Triết và nương tựa vào nhau thì đầu óc thường xuyên được bình yên.
  2. Càng ngày càng tự tin, nhiều khả năng để sống, tồn tại, và làm việc.

Chỉ cần bán hai sản phẩm đó thôi thì hãng bảo hiểm của ĐGĐ Minh Triết là rất tuyệt vời, rất lý tưởng. Bên cạnh đó, hãng cũng sẽ khai nhãn cho người ta nữa. Do đó, các thành viên và Hãng Gia Đình Minh Triết có quyền tự hào. Mình không lừa dối khách hàng, không thu tiền khách hàng mà khách hàng ngày càng ngày càng hay. Chỉ sợ rằng một ngày nào đó khách hàng trở nên cao ngạo mà thôi. Còn không thì tất cả rất tuyệt vời.

Quay trở về việc giải quyết các vấn đề trong thư để các bạn trẻ yên tâm. Tất cả các lá thư cho thấy các bạn rất ổn định về đầu óc. Riêng người gửi lá thư thứ hai thì tôi đã nhận cả chục bức thư nhưng tôi không thấy gì đặc biệt cho đến lần này. Những thư trước gửi chỉ toàn cảm ơn, vậy thôi. Bức thư lần này thật sự cảm động về thân phận người con gái, lấy chồng mà chồng cũng nghèo, có bằng cấp mà không có cơ hội để sống, rồi sinh con cái. Từ sự việc này cho thấy, mặc dù GĐMT là ảo nhưng giá trị của nó là giá trị thật. Chúng ta tồn tại trong Công Ty Bảo Hiểm Minh Triết ảo nhưng đem lại giá trị thật cho tất cả mọi người. Điều quan trọng số một không phải là anh tìm được đường đi hay chưa mà là đầu óc anh phải bình tĩnh trước. 

Hoàn cảnh vừa rồi là hoàn cảnh phải lo kiếm ăn. Nó khác với hoàn cảnh đã có công ăn việc làm rồi nhưng mình bối rối, sầu khổ vì một chuyện tình không thành công, mà như vậy có thể dẫn đến trở thành một nhà văn, nhà thơ giỏi. Nhưng giỏi ở đây là giỏi của một vị thế không thỏa mãn được nguyện vọng của mình, cái giỏi hay nổi tiếng đó chẳng có ích gì cho cuộc sống. Tác phẩm của anh chỉ cho người ta nhìn thấy được bóng đêm của cuộc đời mà người ta gọi là thân phận con người mà thôi. Đây cũng là một loại bấn loạn, nhưng nó đã trở thành một nghệ thuật. 

Còn có một loại bấn loạn nữa là việc anh rất muốn yêu, nhưng vì không tin rằng có mối tình đẹp nên anh không biết làm sao giải tỏa năng lực yêu đương này. Một là anh không tìm ra đối tượng, hai là anh có thể đoán trước khi tìm ra đối tượng thì cũng sẽ có gì đó không hài lòng. Nó giống như anh thấy bình minh nhưng lại thấy luôn cả hoàng hôn nữa nên anh sợ không dám yêu. Người như vậy sẽ trở thành lãng tử. Lúc đó trong con người anh sẽ sinh ra một năng lực trí tuệ khác. Đầu óc con người quả rất phức tạp. 

Các vị gửi thư trên đã vào hãng bảo hiểm ảo của Minh Triết rồi, đầu óc bình yên rồi, tìm được việc làm như đề cập trong bức thư thứ ba rồi thì mình lại mong muốn phát triển một khả năng phù hợp nhất để có thể cống hiến hết sức mình, để sống và giúp đỡ mọi người. Giờ đây đến lượt vấn đề ấy làm cho mình suy tư, cảm thấy như là mình chưa tìm ra lối thoát. Vì vậy mà quý vị thấy tâm hồn của mình nó diễn biến không ổn định, cứ bình yên rồi đến bấn loạn và từ bấn loạn đến bình yên. Nếu không biết giải quyết mình sẽ đổ thừa cho cha mẹ, đổ thừa cho kiếp người, cho xã hội… Đó là chưa kể những điều thiếu may mắn xảy ra cho mình sẽ làm tăng độ bất mãn của mình lên. 

Tuy nhiên, có điều may là quý vị đã hợp sức lại với nhau thành Gia Đình Minh Triết hay Công Ty Bảo Hiểm Hạnh Phúc để nương tựa lẫn nhau và giúp được nhiều người. Nhưng không có cách nào không trở lại trạng thái bấn loạn trong đầu óc. Ngay cả đối với Phật Thích Ca trong kinh Phật giáo, khi dạy dỗ học trò mình cũng còn cảm thấy bất an và đi tìm chỗ khác an định hơn thì nói chi đến người thường. Thành ra chúng ta phải chữa trị trước cái bệnh bất an. Nếu chúng ta nghe và thực hành được điều này, chúng ta sẽ được rèn luyện để trở thành ân phước cho người khác. Chúng ta không than trách thân phận con người. Dù những sự than trách đó rất hay và trở thành những môn nghệ thuật nhưng nó không giải quyết được gì cả bởi nó không làm cho anh mở mắt anh ra được.

Điều nực cười ở chỗ, người đời chẳng ai ca ngợi, tôn vinh hay đề cao những người sống thực sự hạnh phúc, bình yên, mà lại rất tha thiết, sâu thẳm hay diệu vợi đối với những kẻ thất bại. Mà điều đó lại lôi cuốn rất nhiều người. Ngay cả họ làm tượng để thờ những kẻ đó. Quả là kỳ lạ và khó hiểu! Cho nên cũng không thể trách những kẻ thích đóng tuồng nghèo khổ để xin bố thí của người khác…  

Ở đời người ta dùng nhiều kế như mỹ nhân kế hay khổ nhục kế. Mà kế nào thì cuối cùng cũng chỉ là vì quyền và tiền mà thôi. Mà khổ nhục kế thì luôn đề cao những kẻ khổ đau thông qua âm nhạc, thơ ca, hay tác phẩm văn học của họ. Nếu có tác phẩm nào ca ngợi hạnh phúc thì chắc chắn là bán không chạy. Cho nên nếu Công ty Bảo Hiểm Minh Triết cứ khoe mình hạnh phúc thì không biết có ai ủng hộ không? Thôi thì cứ làm công việc của chúng ta, mặc kệ họ ủng hộ hay không.

Làm sao làm cho cái đầu ổn định?

Trở lại việc giải quyết cái đầu của anh làm sao cho nó ổn định. Tóm lại, nó thường không được ổn định bởi anh luôn chú trọng đến suy nghĩ, tính toán và lâu ngày nó thành một cái bệnh. Quý vị hãy để ý, tất cả các phát minh trên thế giới đều không phải do tính toán nhưng đó lại là những phát minh vĩ đại nhất. 

Nếu mình quyết định việc gì mà liên quan đến vấn đề mình biết nhiều thì sẽ rất mất thời gian, bởi vì mình cứ căn cứ vào kinh nghiệm hay kiến thức để làm quyết định. Còn cái quyết định nào mà quý vị không cần suy nghĩ thì thường là quyết định chính xác. 

Cho nên đơn giản là đừng có tin vào suy nghĩ của mình. Chúng ta làm được như vậy chắc chắn sẽ có những chuyện hay xảy ra cho mình. Mà đừng đòi hỏi chuyện đó phải là thế này, thế kia. Kể cả những chuyện may hay không may, sinh ngày nào hay sinh sinh ở đâu thì chúng ta cũng không có sự lựa chọn được. Mình phải sử dụng sự minh mẫn để xử lý những việc an bài ấy. Phải kiên quyết thực hành. Nhưng đa số là học xong thì quên hết. Do đó, nếu không có một ông Thầy tâm linh đúng đắn thì người ta quả là bất hạnh. Bởi họ nói tới nói lui thì cũng tin vào suy nghĩ của mình mà thôi, rồi thấy ông Thầy sai, cho mình là hay là giỏi. 

Khi có chuyện gì mà mình thấy không vui, không hài lòng hay khó chịu thì phải biết trong sâu thẳm mình đang tính toán điều gì đó. Mà nếu mình tính toán thì toàn bộ năng lượng của mình bị đốt sạch. Cho nên lỡ mình mất cái gì hay chưa tìm ra được cái gì thì cũng đừng quá đau lòng, hay quá thúc bách phải tìm ra cho bằng được. Hãy kiên nhẫn để cho đầu óc đừng tính toán, suy nghĩ nhiều quá. Bởi vì như vậy thì mình sẽ ăn không ngon, ngủ không yên, làm gì cũng trật, thường ra quyết định sai lầm, hết sai lầm này tới sai lầm khác. Chẳng những khổ đau, chẳng những quyết định sai lầm, chẳng những có mắt mà như mù mà tình trạng đó cũng ngăn chặn sự may mắn đến với chúng ta. Lúc đó chúng ta sẽ mất luôn cả hai thứ: việc làm và sự may mắn. 

Có người nói với tôi con người mà không toan tính hay suy nghĩ thì đâu phải là con người nữa. Tôi trả lời toan tính, suy nghĩ cũng là con người! Nhưng không toan tính, không suy nghĩ thì con người đó cao cấp hơn, con người đó không bần tiện, nhỏ mọn hay bế tắc. Còn ngược lại thì sẽ nhỏ mọn, bế tắc, đê hèn hoặc liên tục thay đổi. 

CHÂN LÝ THỨ NHẤT: Cuộc đời là cuộc đời, không khổ cũng không vuiNếu ai tạm thời thấy khổ thì biết rằng mình đang suy nghĩ và tính toán nhiều quá. Muốn diệt nỗi khổ đau này thì tiêu diệt những suy nghĩ và tính toán ấy đi. Đó mới gọi là chân lý và nó đúng hết đối với tất cả tôn giáo và các nền văn hóa trên toàn thế giới. 

Còn những trường hợp họ làm việc nhiều quá thì gọi là cực chứ không phải là khổ. Thêm chữ khổ là do bởi mình tính toán nhiều quá, suy nghĩ nhiều quá. Đó là một cảm giác về tinh thần. Nếu chấm dứt tính toán và suy nghĩ thì cảm giác ấy sẽ mất đi, lúc đó niềm vui và may mắn sẽ đến. Nhưng đừng tham vọng nhiều về điều đó, cái gì đến sẽ đến, mà chúng chắc chắn sẽ đến. Nhưng trên đây mới chỉ là điều kiện cơ bản.

CHÂN LÝ THỨ HAI:Tập thông cảm và phát triển tình yêu vô điều kiện thì đầu óc sẽ minh mẫn, sâu sắc

Một lý do nữa để giúp cho đầu óc anh sắc sảo, sắc sảo một cách kỳ lạ thì đó là tập thông cảm và phát triển tình yêu vô điều kiện. Đây không phải là tình yêu chiếm hữu hay thỏa mãn cái gì đó như thỏa mãn lời nói, nụ cười, cảm xúc, cảm giác, thành công, khoe khoang… Đây là tình thương mà không ai có thể đặt tên hay có thể định nghĩa được. Anh tập được cái này thì cái đầu của anh sẽ trở nên sâu thẳm, minh mẫn và sắc sảo để từ đó anh hưởng được lợi ích. Tất cả chúng ta ai cũng có thể hưởng được điều này. Nhưng nếu anh để thói quen tính toán của đầu óc vào thì sẽ hỏng chuyện. Lúc đó anh sẽ đánh mất bao nhiêu cơ hội tốt lành, cả những niềm vui và giá trị vô hình dành cho anh. 

Cho nên anh phải phát triển sự thông cảm và tình yêu. Không phải người ta thương anh thì anh mới thương lại mà kể cả người ta ghét anh hay cư xử không đàng hoàng với anh thì anh vẫn cứ thương. Nếu người ta cư xử đàng hoàng với anh mà anh thương thì chuyện đó bình thường quá. Còn người ta ghét, người ta thù mà mình vẫn thương được người ta thì trạng thái đó mới là tuyệt vời. Lúc đó mới thấy làm người sao mà “đã” quá đi!

Thành ra nhiều người vẫn chưa thưởng thức được cảm giác đẹp, sâu thẳm và hạnh phúc thật sự của con người là như thế nào. Cảm giác đó mình không thể nói được, không thể làm văn, làm thơ hay viết nhạc được. Nó làm cho anh câm lặng luôn. Anh mà còn nói thì anh không phải là người sống. Do vậy, hãy tập sống và đừng tin vào lời nói của người khác, dù lời nói ấy đẹp cỡ nào. Phải căn cứ vào cách mà người ta sống, niềm vui mà người ta sống, tinh thần mà người ta sống, sự sâu sắc mà người ta sống, sự sung mãn mà người ta sống, sự thụ hưởng mà người ta sống…

Quý vị câm lặng nghĩa là đang hòa trong một chân lý vĩ đại, đang hòa vào sức nhiệm màu vĩ đại của trời đất, của tạo hóa; quý vị sống thực sự, quý vị là thượng đế thực sự, là tạo hóa thực sự, là năng lượng nhiệm màu thực sự. 

Con người không có cơ hội biết được giá trị thật của cuộc sống vì nó không được trình bày trong bất cứ sách vở nào. 


Mãi mãi nó sẽ chỉ là bí mật đối với con người. Những cái con người biết chỉ là rơm rác mà thôi. Con người đã đánh mất biết bao điều quý giá khi làm kiếp con người. Đó là những giá trị mà con người không thể nào tìm được qua văn học nghệ thuật. Nó chỉ giành cho những người thực sự sống chứ không giành cho những ai muốn giải tỏa hay thỏa mãn tâm lý của mình. 

Cho nên, nếu nhận ra được điều đó thì sẽ thấy cái việc mình kiếm tiền, cái việc mình có nghề để sống rất nhỏ bé hay mọi sự thành công khác rất đỗi tầm thường. Ai cũng có thể kiếm tiền để sống, nhưng người nào thưởng thức được cuộc sống sâu thẳm thì người ấy đi vào một thế giới huyền bí không có ngôn ngữ, chữ viết, âm thanh, âm nhạc hay tiếng nói.

Quay trở lại ba bức thư ngày hôm nay, vừa rồi tôi đã hướng dẫn cho quý vị hiểu lại những chân lý cơ bản để quý vị xác định được vấn đề của mình. 

Những người học với tôi đang vui thì tôi lại chờ những những nỗi buồn, khắc khoải và sự bế tắc mà họ sẽ trải nghiệm. Nó cũng giống như một người tập đi cà kheo vậy, anh đi khệnh khạng qua lại nhưng rồi cũng sẽ bị té ngã. Bởi cách thức làm việc của cái đầu là đánh giá ngược lại hết, dẫn anh đến sự chán chường, thất vọng và bế tắc. Mà anh không thể buông bỏ hoàn toàn sự tính toán được. Đầu óc anh nó cứ cuồng dần và bị thâu tóm toàn bộ trong tình trạng toan tính. Kể cả đó là toan tính tích cực thì cũng dẫn đến sự bế tắc. 

Dù cho mình làm nghề nào hay làm việc gì có giỏi giang đi chăng nữa thì cũng phải biết rõ con đường đó không thể dẫn mình đến sự diệu vợi, lớn lao như tôi đã nói. Do đó đừng quá ưu tư phải chọn cái gì đúng nhất cho mình vì chỗ đó không tạo cơ hội cho mình cống hiến. Mình cần một việc làm thì làm vậy thôi. 

Khi quý vị điều chỉnh não bộ làm việc theo hướng đó thì quý vị đủ sức chịu đựng những gì quý vị không hài lòng. Rồi từ từ những gì làm cho quý vị khó chịu chúng sẽ ra đi. Không cần phải lo việc ấy.” 

Cuối bài giảng, hiền giả Duy Trí Bảo có đặt câu hỏi làm cách nào để ửng xử bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh, trước những cảnh mà mình không thể lường trước được. Thầy dạy hãy tập sống như mình đã chết rồi mà chưa chôn. Nhưng trong đó, sẽ có phần chết và không chết. Cái phần không chết sẽ giúp cho mình giải quyết được tất cả. Đừng tin vào khả năng là mình cho rằng mình có quyền quyết định hay bắt người khác phải như thế này hay thế khác. Hãy bớt tin vào sự hợp lý của mình. Nhiều khi mình biết thế nào là tránh xe khi đi ngoài đường nhưng nếu cứ tin vào cái biết đó thì có thể mình sẽ chẳng tránh được nó, sẽ chết. Cho nên hãy để “sự không biết” nó xử lý giùm, biết đâu lúc đó mình không chết.

CHÂN LÝ THỨ BA: Trong mỗi con người đều có tính linh không kiến thức. Nó giải quyết được rất nhiều trường hợp khó nghĩ bàn và rất nhiệm màu mà tính linh kiến thức không giải quyết được.


Thầy cũng khuyên hãy tập luyện sức gia trì của mình, hãy sử dụng tánh linh để gia trì cho người khác. Tánh linh đó không phải là tánh linh của kiến thức, mà là tánh linh không kiến thức, hãy để tánh linh không kiến thức giải quyết. Khi tính linh đó giải quyết thì chúng ta không thể bình luận được. Đây cũng là một chân lý.
Mời quý vị nghe đầy đủ bài pháp âm tại đây --> Nghe pháp âm

(Bài tóm tắt này chỉ thể hiện khái quát nội dung bài giảng, muốn hiểu bài giảng rõ ràng hơn mời quý vị nghe toàn bộ pháp âm)