Ngày 27/02/2011, Thầy Duy Tuệ đã có buổi trò chuyện và chia sẻ với các bạn trẻ với đề tài “Tuổi Trẻ và Tương Lai”, nội dung chia sẻ được tóm tắt nội dung như sau:
Mỗi tháng sẽ có buổi chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Tuổi Trẻ Xây Dựng Sự Nghiệp” được phụ trách bởi hiền giả Duy Trung Ý. Sự nghiệp hữu tướng được hiểu như gia đình, việc làm, khả năng kiến thức chuyên môn… của tuổi trẻ. Chương trình này mở ra nhằm giúp cho tuổi trẻ nói chung cũng như các bạn trẻ trong Gia Đình Minh Triết nói riêng có được sự tự tin khi hội nhập vào cuộc sống và chia sẻ nó cho người khác. Do đó, cần trao đổi để biết tuổi trẻ sống bằng nguồn thu nhập nào, cần học những kiến thức nào cho phù hợp với thời đại vì tuổi trẻ chính là nguồn tài nguyên của quốc gia. Trong khi đó, họ hiện đang bị nhiều ảnh hưởng không tốt trong cách giáo dục và không có được môi trường sáng tạo lành mạnh cho cuộc sống của mình.
Phần 1: Xác Định Cuộc Đời, Chọn Đối Tượng Quan Hệ, Phát Triển Kiến Thức và Định Hướng Nghề Nghiệp
Quý vị hay nghe người ta nói: “Cuộc đời là bể khổ” hay “Mọi sự đều do số phận”. Vậy thì tuổi trẻ sẽ nói gì khi được hỏi về cuộc đời của mình? Trước hết tuổi trẻ phải xác định rõ thế nào là cuộc đời của mình một cách tỉ mỉ, không nói chung chung. Nếu chia tuổi trẻ ra làm ba nhóm: đã có gia đình, chưa có gia đình nhưng đang có người yêu, chưa có gia đình và cũng chưa có người yêu, thì cuộc đời sẽ được định nghĩa như thế nào? Về điểm chung, tất cả đều có gia đình. Đó có thể là gia đình nhỏ mới cưới, gia đình lớn với cha mẹ và anh em. Lớn hơn gia đình là cộng đồng dân tộc. Lớn hơn nữa là quốc gia. Đó là những điều không thể tách rời…
Đi ngược lại thì chúng ta có quốc gia, cộng đồng dân tộc, gia đình lớn, nhỏ và cuối cùng là cá nhân mình. Vậy cá nhân mình gồm có những gì? Đó là sức khỏe, kiến thức, nghề nghiệp, những thú vui giải trí… Bên cạnh đó là đời sống tâm linh. Nghĩa là mình xem đầu óc mình có thoải mái hay không, suy nghĩ có nhiều không hay luôn rối loạn do suy nghĩ? Kế đến là tài chính: có tiền hay không tiền? Những phẩm chất để người khác tin yêu và nương tựa vào mình là gì?
Còn quan hệ bạn bè, người yêu phải như thế nào? Ở lứa tuổi từ 18-32, vấn đề này có sức hút mạnh nhất. Đó có thể là tình yêu trai gái, vợ chồng, những người bạn thân… Giai đoạn này cực kỳ quan trọng để tuổi trẻ phát triển quan hệ tình cảm mới một cách sâu sắc và mãnh liệt. Bởi thiếu nó thì không thể định nghĩa được tuổi trẻ. Tuổi trẻ chỉ sợ mất người yêu, mất vợ, mất chồng hay mất bạn bè chứ không sợ mất cha mẹ hay anh chị em ruột. Ngay cả dân tộc hay tổ quốc cũng không sợ mất. Nếu giai đoạn này mà phát triển tình cảm không đúng, thì mình sẽ trở thành kẻ bị cô lập, sẽ chán nản, thất bại trong cuộc đời và đi sai đường… Nguyên tắc quan trọng để chọn lựa đối tượng quan hệ là người ấy có thật lòng không, có tinh thần tự trọng không, có tin tưởng vào khả năng bản thân không, có tâm hồn rộng mở không, đầu óc có cố chấp không, có hòa đồng không, có sức khỏe tốt không, có sâu sắc không, có đồng tâm hiệp lực không, có trung thành không, có bảo vệ và sống chết với nhau không, có tinh thần trách nhiệm với gia đình và xã hội không…
Trong giai đoạn tuổi trẻ, anh phải biết phát triển kiến thức gì vì nếu nó không phù hợp thời đại, anh cũng không thể tồn tại. Khoa học càng phát triển mạnh thì sự cạnh tranh trong cuộc sống càng dữ dội. Ví dụ như công ty thì cạnh tranh để kiếm khách hàng còn tôn giáo thì cạnh tranh để có tín đồ. Hàng hóa và giá bán đều giống nhau thì phải cạnh tranh về chất lượng phục vụ. Ngoài kiến thức mới, anh cần có những phẩm chất để bảo đảm sự sinh tồn của mình: thật thà, không nói dối, sâu sắc, thành tâm, hài hòa, lâu bền… Dù cho có việc nhờ người ta hay không thì anh cũng phải gần gũi họ, hỏi thăm họ có cần giúp gì không. Tuổi trẻ kiên quyết không được xử sự theo cái kiểu khi mình cần thì chạy tới nhờ vả người ta, còn lúc người ta cần thì mình trốn mất.
Một vấn đề mà tuổi trẻ hay mắc phải là thường cố nghĩ ra một vấn đề hoàn chỉnh để dựa vào đó mà đi. Không thể được. Từ việc tạo vốn trong kinh doanh đến định hướng nghề nghiệp luôn phải theo một quy trình:
+ Thứ nhất: - Tạo ý tưởng.
Không cần biết ý tưởng hoàn hảo hay không. Dù ai chê hay khen cứ cảm ơn họ song vẫn kiên định làm bước tiếp theo.
+ Thứ hai: - Thí nghiệm ý tưởng.
Không sợ người ta chê hay khen, cứ lắng nghe và tiếp thu. Từ giai đoạn này nhiều khi mình sẽ có mục tiêu và ý tưởng mới mà ban đầu mình chưa hình thành. Có thể họ nói mình điên rồ. Nhưng không điên rồ sao gọi là tuổi trẻ. Sự điên rồ là cần thiết để phát triển một cách đúng đắn. Có vấp ngã mới đi tới. Cứ có ý tưởng rồi thí nghiệm, có ý tưởng rồi thí nghiệm... Trên đời này, làm gì có thành công và thất bại. Cái này là tiền đề cho cái kia và cứ liên tục như thế. Chỉ có người già mới có tư tưởng lạc hậu mà thôi. Họ hoàn toàn đứng lại vì sự bảo thủ của mình, luôn cho những gì mình đánh giá là đúng, là hoàn hảo. Tự họ đã dừng mọi thứ từ cuộc sống, cuộc đời, ước mơ, hoài bão… của mình lại để sống trong ảo ảnh. Đây là căn bệnh trầm kha của người già…
PHẦN 2: Chia Sẻ Với anh Tô Ngọc Hùng
Từ một thanh niên không có gì, không được quý trọng hay tin tưởng, anh Tô Ngọc Hùng đã dùng ý chí của mình vượt qua cám dỗ của ma túy, phát triển được các khả năng của mình như: viết lách, chụp hình, quay video… Và quan trọng nhất là anh đã thể hiện được sức mạnh của người có đầu óc minh triết, không coi quá khứ là cuộc đời mình. Trong khi người đời thì ngược lại. Quá khứ có gì xấu xa thì họ giấu còn vinh quang thì họ đem ra kể lể suốt ngày đêm.
1 – Tâm Sự Cuộc Đời
“Sau khi thi rớt tú tài, tôi được gọi đi lính và đã dính vào ma túy trên chốn quân trường. Ngày giải phóng trở về với gia đình, tôi gặp lại nó trong đời sống hàng ngày. Tôi đánh mất lòng tin, tình cảm của người thân vì những thói hư tật xấu như trộm cắp đồ đạc trong nhà. Tôi được đưa vào trường Giáo Dục Thanh Niên Fatima, rồi về nông trường Duyên Hải để lao động. Sau ba năm, tôi được trở về thành phố. Nhưng trớ trêu là trên đường về, tôi đi theo người đội trưởng của nông trường đến con hẻm xưa cũ và lại tiếp tục sử dụng chất nghiện chết người đó.
Một lần nữa trở lại Fatima, tôi được tiếp xúc với vị hiệu trưởng và các chuyên gia tâm lý trên thế giới. Họ đã giúp tôi rất nhiều. Tôi cũng tham gia các sinh hoạt của Fatima và từng viết vở kịch về ma túy mang tên “Hạnh Phúc Trong Tay Em” đoạt Huy Chương Vàng của Hội Diễn Sân Khấu Quần Chúng.
Sau đó về nhà, tôi từ bỏ được ma túy bằng cách xóa những thành kiến của mọi người, ban đầu là những người trong gia đình. Tôi làm mọi việc trong nhà và không đi ra ngoài trong ba tháng. Thời gian sau tôi đi ra ngoài, mỗi lần đi đâu đều có em gái theo cùng. Tiếp theo, tôi cũng gỡ bỏ ánh mắt miệt thị của những người trong xóm bằng cách làm những việc có ích cho cộng đồng như thay bóng đèn, sửa cống nghẹt… Bên cạnh đó tôi còn học thêm Anh Văn, Kế Toán.
Lấy được bằng Kế Toán, tôi xin Sở Lao Động trở lại làm ở Fatima với danh nghĩa làm nhân viên hợp đồng, tôi quản lý nhà ăn. Sau đó tôi làm bên Phòng Tư Vấn…
Nhân đây tôi cũng nói cho mọi người biết rằng việc bỏ ma túy rất dễ. Tôi hình dung rằng bộ não của mình gồm có ba phần: trên cùng là phần ý thức hệ, ở giữa là tiềm thức và dưới cùng là vô thức. Khi kiểm soát được ba phần đó là mình thành công. Tôi đã thành công như vậy và giúp cho rất nhiều anh em bỏ được ma túy…”
2 – Giao Lưu Với Anh Tô Ngọc Hùng
DTY: Anh có thể cho biết là Thầy Duy Tuệ có tác động thế nào đến anh trong việc từ bỏ ma túy?
TNH: Trước khi gặp Thầy thì tôi đã vững vàng. Song khi gặp, tôi lại tiếp tục ấn tượng hơn, mạnh nhất là khi Thầy đi Phú Văn. Chưa một nhà sư hay một người lãnh đạo tôn giáo nào lại đi vào một trại cai nghiện để nói chuyện với trại sinh, xoa dịu rất được nhiều tâm hồn như thế. Điều đó đã kích thích tôi tiếp tục làm việc với Thầy. Một bác tên Sâm bảo rằng “Sau này, Hùng xài tiền của Thầy nhiều nhất”. Một thời gian lâu tôi mới hiểu “tiền” ở đây chính là sự thông minh, trí tuệ, không giận ai, không ghét ai… Thầy quả là một động lực rất mạnh cho tôi. Các quý vị thật may mắn khi được gặp gỡ Thầy từ sớm. Do đó, quý vị cần phải nghe, đọc và gìn giữ những bài dạy của Thầy như vật báu. Sau này, khi tư tưởng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được Thầy truyền đi, tôi càng thấm thía hơn, đặc biệt là bốn câu thơ của Phật Hoàng:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.
DTY: Tôi thấy chuyện của anh có thể giúp rất nhiều người. Nếu được, anh có thể viết kịch bản để dựng phim?
TNH: Hơn hai mươi năm trước, sơ lược chuyện về tôi đã được đăng trên báo Công An với tựa đề “Vì Sao Tôi Bỏ Ma Túy”. Khi bài báo được đăng tải, tôi đã bị một người mắng nhiếc thậm tệ, đó là mẹ của tôi. Bà nói rằng tôi đã làm xấu hổ bà một lần nữa. Đề nghị của anh rất hay, tôi sẽ viết lại câu chuyện của mình, còn việc chuyển thể chắc phải nhờ đến các nhà biên kịch hay đạo diễn. Tuy nhiên, cũng cần nói để anh biết rằng, khi làm sách về ma túy thì sách sẽ bị các thế lực đen thâu tóm và thu mua lại hết. Còn làm phim ảnh thì các đạo diễn và nhà sản xuất cũng bị chi phối nên hầu như không có bộ phim nào về đề tài đó ra đời. Dù sao, tôi sẽ viết tùy bút về câu chuyện của mình cho anh sử dụng…
DPT: Chào anh, em đang trên điểm xuất phát như anh ngày xưa. Em muốn hỏi làm sao để mình xóa được thành kiến của gia đình khi mà 99% mọi người trong nhà không tin rằng mình có thể bỏ được ma túy?
TNH: Lý do mà người ta đến với ma túy gồm có hai điều. Một là gia đình làm cho người ta buồn và hai là gia đình làm cho người ta vui. Như Thầy nói, cái vui hay buồn đều khiến họ hư hỏng. Bây giờ cách tốt nhất là mình phải thay đổi và làm ngược lại. Trước đây mình làm ai buồn phiền thì bây giờ mình làm họ vui lên, giúp đỡ cho họ và mọi người, coi như là lấy công chuộc tội.
DPT: Em hiểu ý anh. Nhưng em không may mắn như anh vì đã vướng vào căn bệnh thế kỷ. Qua một hiền giả, em đã biết đến các bài pháp rất hay của Thầy. Nhưng hiện tại, em chưa định hướng mình sẽ đi đâu trong khi gia đình không hoàn toàn tin tưởng, chỉ cần một lời nói hay hành động của họ nhiều khi cũng làm em đổ gục và dính ma túy lại ngay. Hôm nọ, Thầy dạy em phải dùng Phật Tâm Danh để nhắc nhở mình song em thấy cách đó chưa hay lắm. Anh có cách nào khác không?Ý em là mình phải lập kế hoạch đối với các quan hệ xã hội như thế nào hay dùng các kỹ năng gì? Vì nhiều khi họ mời mọc, rủ rê mà mình không thể nào từ chồi được.
TNH: Anh muốn em từ nay không xài điện thoại di động nữa. Chấm dứt sử dụng nó đi. Đồng thời cũng không liên lạc với thế giới bên ngoài. Mỗi lần đi đâu altđều xác định rõ mục đích, đi xong là về, không ghé bất cứ nơi nào, không gặp bất kỳ ai dù là bạn bè. Anh đã từng khuyên em về gia đình sống. Ở Hội Quán, em có thể không định rõ được hướng đi vì các anh ở đó có con đường mà em thấy là cao siêu quá khiến em mặc cảm thì có thể rất nguy hiểm. Nhưng nếu ở đó, em nên lao động trong vườn hoặc hồ nước có tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Mỗi tuần em rửa hồ, chà rong rêu, chăm sóc cây cối… Em làm việc thể nào cũng có lương và việc em tạo ra tài chính từ bây giờ cũng sẽ giúp em xóa thành kiến. Em cũng lên kế hoạch tiền sẽ làm gì. Dần dần, em sẽ có những vật chất mới, suy nghĩ mới, phần ý thức hệ cũng sẽ chín chắn lại. Lúc em ngủ thì những ước mơ và hướng đi của em sẽ hiện ra. Ước mơ nằm ở phần vô thức, từ đây nó trồi lên phần ý thức hệ khi thức dậy. Phần ý thức hệ nó sẽ bắt phần tiềm thức nhớ lại. Em tìm cách liên kết ba phần lại với nhau được là thành công.
DPT: Em muốn hỏi thêm, lúc mới cai nghiện xong thì kinh tế của mình còn khó khăn, làm không có lương cao, anh phải làm gì nữa để có thể được như ngày hôm nay?
TNH: Sau cai nghiện, tài chính mình làm ra không đủ tiêu xài trong tháng. Lúc đó cũng tủi thân lắm, nếu em buồn quá thì làm một vài chai bia hay một xị rượu đế. Đây cũng là biện pháp để thay thế và xóa lấp những trống trải vì tài chính mình làm ra chưa thỏa mãn. Từ từ em sẽ làm nhiều tiền hơn. Ba phần ý thức hệ, tiềm thức và vô thức sẽ giúp em tìm ra giải pháp để làm nhiều tiền hơn hay làm các công việc của mình tốt hơn để được lương cao hơn.
DPT: Em cám ơn anh.
BBT ghi lại